Cổ Cầm – Chiếc cầu nối giữa Thần và con người

Cầm Kì Thư Họa được xem là “tứ nghệ” (bốn môn nghệ thuật) của giới học giả Trung Quốc, mà trong đó “Cầm” đứng ở vị trí đầu tiên. Cái gọi là “phần hương thao cầm” (ý tứ là: đốt hương chơi đàn Cầm) thể hiện ở việc đạt đến một chủng loại “tịnh” (thanh khiết) và “tĩnh” (yên lặng, an định) đối với việc thưởng thức nghệ thuật chơi đàn Cầm.

Dựa theo ghi chép của Hoàn Đàm trong “Tân Luận” (Đạo chơi đàn Cầm):

“Thuở xưa Thần Nông thị nối ngôi Bào Hy làm vua thiên hạ, trên nhìn Pháp từ Trời, dưới lấy Pháp từ Đất, gần thì lấy bản thân mình, xa thì lấy vạn vật, vậy nên khởi đầu dùng cây ngô đồng làm đàn Cầm, dùng dây tơ làm dây đàn, lấy đức câu thông với Thần minh, hòa hợp với thiên địa.”

Cũng là nói hình tượng kết cấu của đàn Cầm là lấy đức câu thông với Thần và hòa hợp với trời đất.

Bởi vì do thánh hiền chế tạo ra nên theo lý mà nói đàn Cầm cũng trở thành công cụ mà bậc tiên hiền phát dương tinh thần đạo đức. Chính vì vậy, mỗi từng bộ phận trong quá tình làm đàn đều bao hàm ý nghĩa đặc thù. Ví như: tiêu chuẩn hình dạng của đàn Cầm phía trước rộng phía sau hẹp, kì thực mang hàm ý là tôn ti trật tự người trên người dưới.

Ưng Thiệu thời Đông Hán có ghi chép trong “Phong Tục Thông” như sau:

“Đàn Cầm dài bốn xích năm thốn hòa hợp theo bốn mùa và Ngũ Hành. Bảy dây cung ứng với Thất tinh, dây cung lớn là Quân (vua), dây cung nhỏ là Thần (thần tử), thêm vào hai dây là Văn Vương và Võ Vương để hòa hợp với ân huệ giữa vua tôi và thần tử.”

Điều này nói rõ rằng đàn Cầm thuở ban đầu có năm dây cung tượng trưng cho Ngũ Hành. Về sau thêm vào hay dây là Văn Vương và Võ Vương tuân theo ý nghĩa ân huệ giữa vua tôi và thần tử.

Đối với phím đàn trên Cổ Cầm, Thôi Tuân Độ đời Tống có ghi chép trong “Cầm Tiên”: “Mười ba phím tượng trưng cho một chu kì mặt trăng (mười hai tháng) và một tháng nhuận được thêm vào giữa.”

Vốn dĩ mười hai phím trên Cổ Cầm tượng trưng cho mười hai tháng, ở giữa là phím lớn nhất đại biểu cho quân vương, tượng trưng cho tháng nhuận. Ngoài ra, Cổ Cầm có ba loại âm sắc là “phiếm âm”, “án âm” và “tản âm” tượng trưng cho sự hòa hợp giữa Thiên, Địa, Nhân.

Trong “Nhạc Thác, Ngụy Văn Hầu” viết rằng: “Quân tử thính cầm sắt chi thanh, tắc tư chí nghĩa chi thần” (ý tứ là: thông qua âm sắc ôn hòa của đàn cầm đàn sắt, dây đàn làm bằng tơ, có thể liên tưởng đến bậc thần tử chính trực, có chí hướng.)

Lịch sử của Cổ Cầm có thể truy ngược lại vào 3.000 năm trước, giới hiền sĩ trí thức thời cổ đại thường xem sở trường gảy đàn Cầm là nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Khổng Tử – bậc tiên sư mà chúng ta ngưỡng mộ cũng là một nhà sáng tác và diễn tấu Cổ Cầm trứ danh. Thời kì Xuân Thu có Bá Nha nổi tiếng với kinh nghiệm học chơi đàn Cầm trên đảo Bồng Lai, khiến cho chúng ta thể hội được trí huệ “Tĩnh quan thiên địa, Sư Pháp tự nhiên”. Thời đại Tam Quốc thì có câu chuyện nổi tiếng “Không thành kế”. Khi Gia Cát Lượng thản nhiên diễn tấu Cổ Cầm, bầu không khí tạo ra đánh lui được vạn quân của Tư Mã Ý. Thời kì Ngụy Tấn, Kê Khang trong Trúc Lâm Thất Hiền rất giỏi về cầm nghệ, tuy là bị Tư Mã Chiêu hãm hại nhưng trước khi chịu án, ông vẫn điềm nhiên diễn tấu khúc Quảng Lăng làm cảm động trời đất, quỷ khóc thần sầu. Đây đều là những giai thoại lịch sử của các nhà diễn tấu Cổ Cầm trứ danh. Từ những cố sự này, chúng ta lĩnh hội được cảnh giới tinh thần đối với nghệ thuật chơi đàn Cầm của các sĩ đại phu cũng như giới văn nhân nho nhã Trung Quốc thời xưa.

Âm nhạc của Cổ Cầm có thể mang đến cho con người một loại giai điệu và cảnh ý thuần phát, thanh cao tao nhã. Bởi vì người xưa đối với thời cơ, tâm tình, dung mạo cho đến bầu không khí lúc gảy đàn, thậm chí là việc lựa chọn người nghe đàn đều xem xét hết sức kĩ càng. Có một cách nói gọi là “Lục kỵ, thất bất đàn”. “Lục kỵ” chỉ sáu loại khí hậu thiên tượng là: lạnh nhất, nóng nhất, gió lớn, mưa lớn, sấm chớp và bão tuyết. “Thất bất đàn” là chỉ đến bảy loại tình huống: nghe người than khóc, khi tấu nhạc, khi bận rộn công việc, thân không thanh tịnh, quần áo không chỉnh tề, không đốt hương và không cảm được âm. Đây đều không phải là thời cơ tốt để gảy đàn.

Trong “Thần Kì Bí Phổ” thời nhà Minh có khai thị rõ ràng: “Đàn Cầm là vật mà thánh nhân chế ra, lấy chính tâm làm phương pháp chỉ đạo chính sự, hòa với sáu khí, điều hòa bốn mùa. Quả thực là linh khí của đất trời, là Thần vật thời đại thượng cổ. Do vậy nó là âm thanh để thánh nhân Trung Quốc trị vì thế gian, là vật để quân tử tu dưỡng.”

Đàn Cầm được xem như là khí cụ để thánh nhân xử lí quốc sự, là vật mà bậc quân tử dựa vào để tu tâm dưỡng tính. Vậy nên chỉ cần đi ngược lại với những quy định cho thánh nhân và quân tử thì tuyệt không được phép gảy đàn.

Ban Cố có ghi chép như sau trong “Bạch Hổ Thông”, cũng là phần chú thích tốt đẹp nhất thay cho nội hàm của “Cầm”: “Cầm giả, cấm dã. Sở dĩ cấm chỉ ư tà, dĩ chính nhân tâm dã.”

Có thể thấy “Cầm” là có cấm chỉ dâm tà, bao hàm sửa chính nhân tâm.

Nghệ thuật Cổ Cầm của người xưa thể hiện sự ưu mỹ siêu xuất thế gian con người, phẩm cách cao thượng, trí huệ thông đạt và thâm sâu, đạt đến cảnh giới “Thiên nhân hợp nhất” và “Thiên địa tương thông”. Chính vì lẽ đó, âm nhạc Cổ Cầm so với các loại nhạc khí Trung Quốc khác càng thể hiện sâu sắc ý vị sâu xa và chi tiết chính xác của văn hóa truyền thống Trung Quốc, triển hiện ra một loại cảnh giới tinh thần câu thông giữa Thần và con người mà người tu Đạo vốn mang theo.

Nguồn: Chánh Kiến Net